Có không ít người đã từng bị khách hàng vu oan như tôi khi đi làm tư vấn bảo hiểm! Và cũng không phải tất cả đều vượt qua những giây phút kinh hoàng của cái nghề đầy thử thách cam go này.
Sau đây là một trong các trường hợp mà tôi đã từng trải qua, nay xin chia sẻ lại cùng các đồng nghiệp mới bước vào nghề. Một cái nghề đầy vinh quang và không kém phần thử thách. Nhưng chúng tôi, những người đã vượt lên được, nay rất tự hào về con đường đã chọn, nghề tư vấn bảo hiểm. Công việc chúng tôi đang làm.
“Cái đồ lừa đảo!
Bọn bảo hiểm là bọn chuyên đi lừa đảo bịp bợm, em có biết không.
Đã bảo không là không kia mà!”
Đó là tiếng của người chồng mắng nhiếc cô vợ trẻ cứ đeo đuổi tôi và vang vọng mãi, cho đến tận lúc về đến nhà rồi mà tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, uất ức xen lẫn tức giận. Dựng xe, quăng cặp rồi nằm vật ra giường, chẳng thiết cơm nước gì nữa hết, hai hàng nước mắt cứ thi nhau tuôn trào không sao mà kìm giữ được, tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc… Thế rồi thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy, hai má vẫn ướt đầm, may quá chồng và các con đều đi ngủ cả, không ai biết cái “nhục”mà tôi vừa phải trải qua, nhất là khi cả nhà đều đang dị ứng với công việc mà tôi bắt đầu theo đuổi.
Tựa lưng vào tường, trong bóng đêm tôi suy ngẫm về cái nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ: “Có nên làm nữa hay là thôi? Xưa nay mình đâu có bị ai nói là lừa lọc họ chứ! Mà mình đâu đến nỗi thiếu tiền? Giàu thì chẳng giàu, mà nói nghèo đâu có nghèo nhỉ? Này nhé mình đang đi làm Nhà nước hẳn hoi, lương tuy không cao lắm nhưng nhiều no, ít đủ, ngại gì. Chồng làm cán bộ Quân đội cao cấp, các con đều làm việc cho công ty nước ngoài. Vậy mình đi làm tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ với mục đích gì đây”.
Vì tiền, vì danh? Chắc chắn không phải rồi! Vậy vì cái gì? Phải vì một cái gì đấy mới là động lực thôi thúc mình cần phải làm, và sẽ làm cho tới trọn phần đời còn lại, để tự khẳng định bản thân mình là người sống có ích với gia đình và xã hội chứ.
Vậy nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ có hay không? Hay!
Có tốt không? Tốt!
Có cần thiết cho mọi người không? Rất cần!
“Hay, tốt, cần”! Vậy tại sao mình đến tư vấn cho mọi người lại bị mắng nhiếc, xua đuổi nhục thế. Thâm chí có người xưa nay là bạn thân giờ nghe nói mình làm tư vấn bảo hiểm nhân thọ thế là lảng tránh như “HIV” vậy? Nhất là khi bị bà chị dâu trưởng thông báo với mọi người họ hàng thân thích từ Bắc – Nam là từ nay đừng có ai dại dột nghe lời “con” Minh nhé! Nó làm nghề lừa đảo đấy! Thế có ức nổ ruột không?
Ôi! Nếu đúng cái nghề tư vấn bảo hiểm này mà làm cho mình mất bố, mất mẹ, mất anh, mất em, mất bạn bè… thì ôi thôi dẫu có trở thành tỷ phú mình cũng xin vái lạy cả nón thôi.
Bao trăn trở, bao suy nghĩ cứ vậy trôi theo tháng ngày, trước bao sự dị nghị quan niệm xấu về cái nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ cũng những người thân xung quanh, nhưng tôi phải nghĩ việc gì cũng đều có hai mặt của nó, nôm na như bàn tay ai cũng có mặt trái và mặt phải, chẳng có ai sai mà chẳng có ai đúng hết cả đúng không? Vậy là tôi hăm hở đi tìm chân lý của nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ, nếu nó xấu thì tại sao nó lại tồn tại hằng trăn năm qua? Và những người tham gia bảo hiểm nhân thọ đều là những người bị lừa chăng? Thế thì cũng tài thật! Những người tư vấn bảo hiểm lừa được các giám đốc, bác sĩ, giáo sư, doanh nhân.vv… đó là những người có chức, có quyền, có học vấn với đủ mọi ngành nghề khác nhau trên khắp mọi nơi không những trên cả nước ta mà còn trên cả thế giới nữa chứ.
Ừ! Dân Việt Nam có thể nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị lừa, vậy còn ở nước ngoài thì sao? Mà sao họ lại bị lừa lâu đến thế? Bị lừa đến bao thế hệ mà vẫn cứ bị lừa. Cuối cùng tôi cảm nhận, nếu cuộc sống trên hành tinh này còn, thì nghề bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ còn mãi, cuộc sống và bảo hiểm nhân thọ luôn luôn song hành với nhau.
Vậy bảo hiểm nhân thọ là gì? Mình có làm được hay không? Đây là một trong 10 nghề khó nhất và được coi trọng trên thế giới, liệu sức mình có kham nổi không? Tôi băn khoăn suy nghĩ! Đã có rất nhiều người thành công và cũng không ít người phải bỏ dở giữa chừng. Tôi suy ngẫm rằng, nếu đây là nghề dễ làm thì chẳng đến lượt mình, còn nếu quả là quá khó thì cũng chẳng có ai! Thế thì ta nên bắt đầu từ đâu ? Miên man suy nghĩ bỗng bên tai tôi còn vẳng lại lời khuyên.
Hãy đến với mọi người bằng “Trái tim”. Ai đó đã nói với tôi như vậy và tôi lấy đó làm mục đích hướng tới của mình, luôn đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết, còn quyền lợi của mình thì sao đây? Đừng vội lo “Hãy làm cho tốt, khách hàng sẽ không bao giờ quên mình” đó là câu mà tôi luôn áp dụng.
Nhưng mà mình vào sau, mọi người bán hết rồi còn đâu? Gay go thật! Mình lo thật sự, có lẽ hết thật rồi chăng? Đến gặp ai cũng bảo mua rồi.
Có một lần đến tư vấn cho khách hàng được người quen giới thiệu, khách hàng còn đem ra tới 7 hợp đồng và tức giận hùng hổ trả lại tôi:
“Đấy mời cô mang hết đi cho tôi nhờ! Bao lần ốm đau vào viện chẳng được cái gì cả. Chỉ biết có đòi tiền, nay tiền, mai tiền, cứ vài tháng lại thấy đến đòi tiền đóng bảo hiểm, thật là rách việc. Không bảo hiểm, bảo hiếc gì hết”.
Cơn thịnh nộ của khách hàng trút hết lên đầu tôi, nhưng lần này thì tôi không đi, mà cứ lặng lẽ ngồi nghe, hết sức thông cảm nỗi niềm của chị, thấy tôi cứ lặng lẽ chăm chú ghi chép kèm theo những tiếng dạ, vâng khiêm nhường. Sau một hồi trút giận, bỗng chị lặng im nhìn lại tôi ngạc nhiên trước thái độ chân tình, ngẫm lại như thấy mình chưa có điều gì đó không phải với tôi, chị hạ giọng thở dài xin lỗi.
Ôi! Em uống nước đi, nước mơ muối đấy!
Nóng quá chừng! Để rồi chị cũng vô cớ nổi nóng với em!
Chị xin lỗi nhé! Nhưng mà bực quá đi mất em à.
Không! Chị không phải xin lỗi em, mà đúng là em cần thay mặt công ty xin lỗi chị vì có thể do đồng nghiệp của em làm việc thiếu chu đáo tận tình với chị.
Không, nó là em dâu chị. Khi tốt nghiệp Đại học chưa có việc làm nó nói ngon nói ngọt bảo cả nhà chị mua bảo hiểm ủng hộ nó, để cho nó có công ăn việc làm, ai ngờ hơn năm sao nó xin được việc khác, thế là nó bỏ bảo hiểm. Đến giờ thì có một anh nói là nhân viên thu phí bảo hiểm hàng tháng cứ đến thu phí, mà chị chẳng biết nộp để được gì.
Tôi xin phép chị được xem hợp đồng bảo hiểm của gia đình. Xem kỹ lưỡng và tư vấn thật thấu đáo, giải thích vì sao chị phải đóng phí bảo hiểm tiếp tục vào hợp đồng bảo hiểm, tại sao khi anh bị ốm đau vào bệnh viện điều trị lại không được công ty bảo hiểm chi trả. Sau khi được tôi giải đáp và giúp chị mua thêm sản phẩm bổ trợ mới của công ty phù hợp với nhu cầu của từng thành viên đã tham gia bảo hiểm, tôi góp ý chị nên chuyển đổi từ ký đóng phí hàng tháng, hàng quí sang đóng phí hàng năm thì chị cảm thấy rất thoải mái. Phần nữa tôi không quên khuyên chị nếu cần thì chị hãy làm đơn đề nghị chuyển đại lý chăm sóc sang tôi, vì em chị đã bỏ việc và hợp đồng đang mồ côi có thời hạn quá 5 năm rồi.
Về công ty tâm sự với một đồng nghiệp bị họ chê.
Sao ngu thế!
Ai lại đi ôm một đống của nợ ấy về làm gì?
Làm không công à?
Rồi đến kỳ sinh nhật của họ tiền đâu mà quà với cáp.
Mà chí ít cũng là thiếp với tem cho khách hàng cũng phải tiền túi mình đấy!
Ừ nhỉ? Cũng đúng, tiền đâu? Nhưng mà mình sẽ khác, mình sẽ làm cái mà mọi người đã bỏ qua, mọi người cày rồi mình sẽ bừa, người bán trước rồi mình đi sau bán tiếp. Công ty mình đâu chỉ có một loại sản phẩm, và mỗi người đâu phải chỉ mua một hợp đồng bảo hiểm.
Nghĩ sao làm vậy, tôi cứ đi, cứ chịu khó nghe những lời ca thán và tháo gỡ, miệt mài, nhẫn nại không chút đòi hỏi, kêu ca… Và ông trời cũng đã không phụ lòng người, vẫn chị khách hàng đó chỉ ba tháng sau, khi tôi đến tặng quà sinh nhật và giới thiệu sản phẩm mới của công ty, chị đã ký với tôi hợp đồng mới với số phí gấp 10 lần hợp đồng cũ. Và cứ cần mẫn, thế rồi lần lượt tới nay có khách hàng đã ký với tôi 15 hợp đồng cho cả nhà, danh sách khách hàng tham gia bảo hiểm được tôi tư vấn cứ nhiều dần lên theo năm tháng, thật là vui và tự hào. Hiện nay đã có nhiều khách hàng tự đến tận nhà tôi xin ký hợp đồng và cũng có khách hàng đến công ty tìm và chờ tôi cả buổi để được gặp và tham gia bảo hiểm.
Với sự tin tưởng chân tình của khách hàng tôi hết sức xúc động và càng vui xiết bao mỗi khi chuông điện thoại reo vì tôi được nghe những lời nhẹ nhàng trân trọng: “Chào em! Chị là khách hàng của em đây! Chị đang rất cần gặp em…”. Hay những khi tôi bấm chuông nhà khách hàng nghe tiếng bé con ra mở cửa reo mừng: “Mẹ ơi! Bà bảo hiểm đến” cứ âm mãi trong tôi một niềm vui vô bờ.
Các bạn biết đấy! Để đi đến thành công mỗi người có một cách riêng của mình. Và nay tôi rất tự hào và hãnh diện là đã được đứng trong đội ngũ Đại lý, một chuyên viên tư vấn tài chính và bảo hiểm loại giỏi của công ty. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi đã tự khẳng định được mình, được chồng con kính phục, được mọi người quí mến, tin tưởng, tôi là người sống có ích trên trái đất này. Đó mới chính là điều tôi hằng mơ ước.
Tôi không ít lần tự hỏi: ‘HẠNH PHÚC LÀ GÌ?’ cho đến khi tình cờ đọc được một tác phẩm của nhà văn Lê Lựu có tựa đề “Gặp nhau giữa đám đông”. Ông quan niệm về hạnh phúc rất đỗi bình dị mà thấm thía: ‘Sống ở trên đời, chỉ cần làm được hai việc: được làm công việc mình yêu thích và sống với người mình yêu thương đã là hạnh phúc trọn vẹn.
Hóa ra, hạnh phúc đơn giản đến thế, nhưng đơn giản như thế mà bạn nhìn lại mình và xung quanh bạn xem: “CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI HẠNH PHÚC?”. Nhà văn Lê Lựu viết tiếp: ‘Nhưng sống trên trái đất ở giữa thì tròn hai đầu hơi méo, bạn cũng đừng đòi hỏi mọi chuyện phải tròn vo. Vậy nếu bạn đang phải làm công việc bạn không yêu thích, hãy cứ yêu công việc đi rồi công việc sẽ yêu lại bạn và đối với người bạn đời của mình cũng thế. Nếu phải sống với người không như ý muốn, hãy cứ yêu thương người ta đi rồi người sẽ yêu lại bạn’.
Tôi nghĩ con đường tôi đang đi, công việc tôi đang làm là đúng, và bên tai tôi luôn vẳng tới lời của ai đó nhắc nhở rằng: “Con đường ngắn nhất để đến với THÀNH CÔNG là bằng TÌNH YÊU và SỰ LẮNG ĐỌNG”.
Nguồn: Ý Tưởng Bảo Hiểm